Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố

Báo cáo tại hội nghị sáng 17-2, Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết kết quả khảo sát cuối năm 2022 cho thấy số lượng doanh nghiệp có doanh thu giảm chỉ còn chiếm tỉ lệ tối thiểu là 14%, so với 17% của quý trước. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp xác nhận doanh thu đã cơ bản tạm ổn ở mức 64%, tăng đáng kể so với 57% của quý trước. Tuy nhiên Quý IV, hoạt động sản xuất kinh doanh có phần chậm lại, số lượng doanh nghiệp có doanh thu tăng chỉ còn chiếm 22%, so với tỷ lệ 26% của quý trước đó

Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp trên địa bàn TP

Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM  (HUBA) báo cáo tại hội nghị

Bên cạnh những tín hiệu tích cực trong kinh doanh, Ông Hòa cũng nêu một số khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt do ảnh hưởng của hậu dịch Covid-19 và khủng hoảng Nga- Ucraina.

Khó khăn của doanh nghiệp

Trong lĩnh vực xuất khẩu: do lạm phát tăng cao, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chính của dệt may như Mỹ, EU lên tới 6-7% nên lượng tiêu thụ giảm rõ rệt, (châu Âu đã giảm tới 60%, trong khi Mỹ giảm 30-40%), tồn kho tăng lên chiếm 20-25% dẫn đến quý 4/2022 và quý I/2023 khách hàng hạn chế hoặc không đặt đơn hàng mới. Cụ thể: Đơn hàng cho tháng 11, 12 thiếu khoảng 35 – 50% năng lực hoặc có đơn hàng nhưng cạnh tranh gay gắt về giá, nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50% so với mức bình thường, thậm chí có khách hàng đưa ra chỉ bằng 40%. Hệ quả là: nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất cuối năm 2022.

Ngành mỹ nghệ chế biến gỗ: Đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động cầm chừng, nhất là các doanh nghiệp nội địa (gỗ dăm và viên nén tăng nhưng chủ yếu do doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp FDI). Cụ thể: 10% doanh nghiệp còn 50% đơn hàng, 50% doanh nghiệp còn 30-40% đơn hàng, các doanh nghiệp còn lại là không có đơn hàng. Do đó, hàng tồn kho tăng cao, thiếu dòng tiền.

Trong lĩnh vực bất động sản, hiện rất khó khăn và đi vào suy thoái. Thị trường đang thu hẹp quy mô kinh doanh, dừng đầu tư, ngưng thi công các dự án mới, thị trường gần thư đóng băng và có khả năng kéo dài

Kim ngạch xuất khẩu của ngành VLXD sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu. Giá thép giảm 60% do lượng cung quá lớn trong khi nhu cầu giảm, sản lượng xuất khẩu thép giảm 69,3%; nhà máy xi măng ế ẩm, xuất khẩu giảm 55%, thị trường trong nước cũng sụt giảm do đầu tư công và dự án bất động sản đóng băng, doanh nghiệp nợ lẫn nhau.

Do biến động trái phiếu và việc kiểm soát tín dụng chặt chẽ cho thấy nền kinh tế thiếu tính thanh khoản. Việc tiếp cận vốn vay khó khăn, ngay cả khi tiếp cận được thì DN cũng không dám vay vì lãi suất tăng cao. Chính sách hỗ trợ lãi vay 2% ít khả thi, khó thực hiện, vì một số doanh nghiệp lo ngại về thủ tục giấy tờ và thanh kiểm tra.

Kiến nghị về chính sách của Nhà nước

Hiện nay, hệ thống ngân hàng siết chặt các điều kiện cho vay với mức an toàn cao cho ngân hàng: định giá trị tài sản thế chấp thấp, tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản thế chấp bị kéo thấp xuống, yêu cầu bổ sung tài sản thế chấp đối với các hợp đồng đã cho vay. Bên cạnh đó, lãi suất vay cao trên 10%/năm là cản trở lớn, gây là khó khăn cho doanh nghiệp. Ngân hàng nhà nước có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỷ lệ “biên độ lãi ròng” (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay nhằm hạ lãi suất cho vay.`

Tiếp tục chính sách gia hạn nợ vay 1 năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, cần áp dụng chính sách ân hạn 1 năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ 2021. Theo đó thời gian của hợp đồng vay cũng được kéo dài thêm tương ứng với thời gian ân hạn mà không làm thay đổi số tiền phải trả từng kỳ theo lịch trả nợ trước đó, điều này giảm áp lực trả nợ so với yêu cầu phải chia đều nợ phải trả theo Thông tư 01/NHNN-TT.

Kiến nghị ngân hàng Nhà nước sớm công bố thông báo hỗ trợ tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu.

Chính phủ có chính sách cho doanh nghiệp phát hành gia hạn, mua lại hay tất toán các khoản nợ với trái chủ. Các trái phiếu của tài sản đảm bảo và có kỳ hạn 01 năm trở xuống được gia hạn 12 tháng, trái phiếu có kỳ hạn 03 năm trở lên được gia hạn 18 tháng.

Do niềm tin của các trái chủ bị lung lay nên kiến nghị nhà nước ban hành chính sách trên giúp ổn định tình hình trên thị trường tài chính hiện nay.

Tiếp tục áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% cho tất cả các ngành kinh tế, không phải chỉ giới hạn ở một số ngành như hiện nay, thời hạn áp dụng tới hết năm 2023.

Xem xét miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt để chia sẻ khó khăn doanh nghiệp. Thực hiện miễn giảm thuế TNCN trong năm 2023.

Sửa đổi luật thuế xuất nhập khẩu. Không để tình trạng nhập nguyên thiết bị máy móc thì thuế nhập khẩu 0%-10% hoặc miễn thuế, trong khi chế tạo máy trong nước phải nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện phụ tùng thì thuế nhập khẩu lên đến 15% như

Ngoài ra, nhà nước cần chỉ đạo quyết liệt việc giải quyết hoàn thuế đúng thời hạn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển.

Kiến nghị với Thành phố

Giảm bớt các công đoạn thẩm định hồ sơ hoặc quy định nghiêm ngặt về thời gian việc hỏi ý kiến nhiều cơ quan để nâng trách nhiệm cơ quan tham mưu làm chuyển biến đội ngũ công chức đồng hành với doanh nghiệp và người dân.

Chú ý nhiều hơn vào cải thiện một số chỉ số thành phần về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Thiết chế pháp lý, chi phí không chính thức, chi phí thời gian và phát huy thêm chỉ số “hỗ trợ doanh nghiệp”.

Tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng về cấp chủ quyền đất đai, nhà xưởng (thuê hoặc mua), hoàn công để doanh nghiệp, người dân có chủ quyền đất thế chấp vay ngân hàng đưa vào sản xuất kinh doanh. Xem xét cấp phép xây dựng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Chấn chỉnh tình hình kiểm tra xây dựng, kiểm tra doanh nghiệp.

Xem xét triển khai lại chương trình cho vay kích cầu đầu tư, đã từng thực hiện trước đây nhằm tạo điều kiện nâng cao khả năng đầu tư phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.

Nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực quản trị, kỹ thuật và vốn đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Hoạt động kích cầu đối với ngành công nghiệp hỗ trợ cũng cần quan tâm thực hiện, đáp ứng nhu cầu thu hút dòng chuyển dịch đầu tư từ các nước chuyển qua.

Xem xét mở rộng ngành nghề, nâng số vốn cho vay từ Chương trình kích cầu đầu tư (để chương trình có hiệu quả lan tỏa trên mọi lĩnh vực. Cùng với đó là cải cách các thủ tục hành chính để các doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn thuận lợi hơn).

Doanh nghiệp đang thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh. Thành phố xem xét chủ trương chuyển đổi đất nông nghiệp chưa sử dụng để hỗ trợ mặt bằng cho doanh nghiệp.

Xem xét lại chính sách cho thuê đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thế chấp giá trị đất thuê và tài sản trên đất thuê để vay ngân hàng. Nhanh chóng phê duyệt  giá thuê đất. Các chính sách cho thuê đất trong khu nông nghiệp công nghệ cao (đặc biệt là hình thức cho thuê đất trả tiền một lần hay trả tiền hàng năm) cũng cần xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình đầu tư thực tế của doanh nghiệp và đồng bộ với các quy định khác của Thành phố.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, liên kết để phát huy sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp thành phố, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại kết nối trực tiếp với các thị trường trọng điểm xuất khẩu hoặc đang có lợi thế xuất khẩu, khai thác mở thị trường mới, thị trường ngách … Đặc biệt, tăng cường công tác dự báo, thông tin về thị trường xuất khẩu cũng như kịp thời hướng dẫn DN xuất khẩu thực thi những quy định mới phát sinh để doanh nghiệp tăng khả năng ứng phó hiệu quả.

Tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả việc liên kết giữa các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, có lộ trình, có theo dõi, kiểm tra và đánh giá để điều chỉnh, nâng cao hiệu quả trên cơ sở tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lưu thông hàng hóa, phát huy thế mạnh từng địa phương.

Xem xét điều chỉnh chi phí bến bãi, logistics, giảm chi phí sản xuất kinh doanh,…giúp Doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh;

Công tác kiểm tra, kiểm soát chống hàng gian, hàng giả và gian lận thương mại cần thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo công bằng xã hội đối với các doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính.

Thành phố cùng Huba thiết lập kênh kết nối định kỳ với cơ quan thương vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, “đặt hàng” các vấn đề cấp thiết từng thời điểm nhằm thúc đẩy sự tăng cường hợp tác, đầu tư, giao thương Việt Nam với nước ngoài. Các vần đề quan trọng như: thuế chống phá giá, các thông tin về thị trường, những thay đổi quy định về xuất xứ, chỉ tiêu hàng hóa nhập khẩu…

Triển khai những chương trình xúc tiến du lịch-kinh doanh giữa Việt Nam và nước ngoài. Nên tổ chức quảng bá du lịch Việt Nam thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa tại các nước. Chúng ta cần đưa các giá trị văn hóa vào hoạt động du lịch, cạnh tranh với các nước trong khu vực. Nên có nhiều đường bay thẳng vào Mỹ (hiện nay mới có 2 đường bay của Vietnam Airlines và Bamboo Airways) để tăng cạnh tranh và thu hút du khách Mỹ, Thái Lan, Singapore…

Thành phố sớm ban hành Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời, ban hành cơ chế đấu giá, đấu thầu các vị trí quảng cáo thuộc đất công và phụ thu một phần phí đối với vị trí quảng cáo trên đất tư nhân (khi các vị trí đã được đưa vào quy hoạch) tạo nguồn thu lớn đóng góp cho ngân sách, đồng thời tạo cơ chế minh bạch trong việc cấp đất công cho doanh nghiệp kinh doanh;

Tạo cơ chế khai thác loại hình quảng cáo LED trên các trục đường thuộc trung tâm thành phố, để tạo nguồn thu ngân sách. Đồng thời, đẩy mạnh lan toả nét đẹp văn hoá và con người Việt Nam ra với cộng đồng quốc tế;

Theo công văn số 93&94 /SDL – VP ngày 18/01/2023 của Sở Du lịch gửi cho Hội Quảng cáo, Sở Du lịch đã đồng ý phối hợp cùng Hội Quảng cáo thực hiện quy hoạch một số vị trí trung tâm, sân bay phục vụ riêng cho du lịch. Kính mong Quý lãnh đạo tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp giữa 2 đơn vị.

Nhanh chóng nghiên cứu làm rõ và có quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất phù hợp đối với công trình xây dựng đa năng có kết hợp chức năng lưu trú như căn hộ khách sạn (condotel), căn hộ văn phòng (officetel), nhà phố thương mại (shophouse)…; chính sách quy hoạch, quản lý, sử dụng không gian ngầm của thành phố; mở rộng điều kiện mua nhà của người nước ngoài, và giải quyết khó khăn của các chủ đầu tư khi xử lý đất xen kẹt trong dự án, nhằm nhanh chóng giải phóng nguồn lực xã hội, hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển ổn định, góp phần lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế. Thành phố cũng cần khảo sát tình hình hiện trạng sử dụng đất để xóa bỏ tình trạng để đất hoang hóa, cần chuyển đổi đất nông nghiệp không sử dụng được sang các loại đất khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, tận dụng nguồn lực từ đất đai đóng góp vào sự phát triển của thành phố.

Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng hồ sơ cấp chủ quyền nhà – đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thủ tục hoàn công xây dựng … để người dân, doanh nghiệp hoàn tất pháp lý chủ quyền có thể thế chấp vay vốn đưa vào sản xuất kinh doanh.

Mở rộng cơ chế quản lý để đất nông nghiệp được sử dụng vào đúng mục đích phát triển nông nghiệp ở mọi cấp độ công nghệ từ thấp đến cao. Hiện nay nhiều khu vực đất ven đô bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí nguồn lực xã hội, người sử dụng đất bị cản trở khi thực hiện các công trình phát triển trồng trọt, chăn nuôi trên đất nông nghiệp. Nhu cầu sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp là nguyện vọng chính đáng của người dân cần được đáp ứng để phục vụ xuất khẩu nông sản và du lịch nhà vườn đang có nhu cầu lớn hiện nay.

Công tác an sinh xã hội cần đầy mạnh, thông qua các chương trình phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo nhu cầu an cư lạc nghiệp của người dân thành phố. Bên cạnh đó, công tác xây dựng, sắp xếp bãi đỗ xe hợp lý, đảm bảo vệ sinh, thông thoáng và thuận tiện cho các phương tiện giao thông. Việc xây dựng, chỉnh trang công viên, khuôn viên, xây mới nhiều nhà vệ sinh công cộng cũng cần được coi trọng, đáp ứng nhu cấu thiết yếu của khách du lịch và người dân vãng lai.

Thành phố xây dựng chiến lược cụ thể hỗ trợ các Doanh Nghiệp SME tiếp cận dễ dàng và thực hiện Chuyển Đổi số, ứng dụng nhiều hơn các nền tảng số trong việc điều hành quản lý doanh Nghiệp. Các việc cụ thể bao gồm hỗ trợ kinh phí cho các công tác tuyên truyền, đào tạo, huấn luyện và khuyến khích các đơn vị dịch vụ chuyển đổi số có kinh phí để cho các doanh nghiệp sử dụng thử trong thời gian nhất định, từ đó tạo động lực chuyển đổi số. Hơn nữa, việc xây dựng bộ cơ sở dữ liệu dùng chung theo từng ngành, từng lĩnh vực, kết nối với hệ thống số của doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, có sự chia sẻ thông tin giúp gia tăng nguồn lực quản trị và kinh doanh.

Tăng cường chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp FDI, tập đoàn tư nhân lớn dẫn dắt chuỗi giá trị. Xây dựng Showroom trưng bày cho từng ngành hàng, đây là nơi kết nối và giao lưu giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong và ngoài ngành có liên quan; hình thành hệ sinh thái sản phẩm SME, đẩy mạnh tính liên kết, kết nối, hợp tác và hợp lực cùng phát triển.

Thành lập dự án xây dựng Flatform cho hoạt động xúc tiến thương mại & thương mại điện tử cho sản phẩm công nghiệp Việt (MADE BY VIETNAM). Cần xem hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, thống kê, nghiên cứu thị trường, lưu trữ, phân tích dữ liệu, với việc tạo dựng nền tảng online (platform), ứng dụng chuyển đổi số tiến tới khai thác hệ sinh thái BigData, IOT, AI cho tất cả các hoạt động giao thương, Marketing….

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *