Nhiều doanh nghiệp, cá nhân chưa biết đến hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến

Hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử (ODR) được coi là sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí và tiền bạc cho doanh nghiệp nhưng lại chưa được nhiều doanh nghiệp, cá nhân biết đến và sử dụng; mặc dù nền tảng hoà giải thương mại trực tuyến (Medup) đã được Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho ra mắt vào tháng 3-2021.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Hội thảo “Thúc đẩy giải quyết tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử nhằm bảo vệ người tiêu dùng” vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội sáng nay 28-4.

Theo Báo cáo của nhóm nghiên cứu CIEM do ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM trình bày tại hội thảo, thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm gần đây đạt 38%. Năm 2020, dù bị ảnh hưởng của Covid-19, nhưng thị trường này vẫn tăng trưởng 16% và dự báo sẽ đạt giá trị tới 52 tỷ USD vào năm 2025.

Như một hệ quả tất yếu, số vụ tranh chấp trên môi trường thương mại điện tử cũng có xu hướng gia tăng. Trong các phương thức giải quyết tranh chấp hiện nay, các doanh nghiệp và cá nhân thường lựa chọn thương lượng (57,8%); toà án (46,8%); hoà giải (22,8%) và trọng tài (16,9%). Trong khi đó, hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) được coi là sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí và tiền bạc cho doanh nghiệp thì lại chưa được nhiều doanh nghiệp, cá nhân biết đến và sử dụng; mặc dù nền tảng hoà giải thương mại trực tuyến (Medup) đã được Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho ra mắt vào tháng 3-2021.

Ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh: “Ưu điểm của ODR là khả thi về kinh tế, hiệu quả, nhanh chóng, linh hoạt. ODR cũng tạo ra tương tác đồng bộ, không đối đầu; cho phép giao tiếp nhiều hơn, thuận tiện hơn và tiếp cận trung lập tốt hơn, lại không giới hạn phạm vi lãnh thổ. Đồng thời, việc lưu trữ hồ sơ, dữ liệu, quản lý và tìm kiếm tài liệu cũng dễ dàng hơn”.

Mặc dù vậy, phương thức này cũng có những nhược điểm như yêu cầu về khả năng sử dụng máy tính; rào cản ngôn ngữ và – quan trọng hơn cả – vẫn còn thiếu những tiêu chuẩn pháp lý rõ ràng.

Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu CIEM đưa ra một số đề xuất nhằm phát huy hiệu quả của cơ chế ODR; trong đó yêu cầu quan trọng hàng đầu là hoàn thiện các điều kiện để phổ biến và ứng dụng ODR như xác định và hướng dẫn chuyển đổi mô hình kinh tế, tăng cường hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển khu vực tư nhân.
Bên cạnh đó là tiếp tục hướng dẫn và tổ chức thực hiện có hiệu quả các luật có liên quan; tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh. Đặc biệt, việc tổ chức và triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như các chính sách và điều kiện để thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam được coi là điều kiện không thể thiếu.
Nguồn: sggp.org.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *