HUBA sẽ tìm được những lãnh đạo kế nhiệm có tâm, có tầm và chấp nhận cống hiến

Là hai trong số những lãnh đạo “đời đầu” của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), ông Phạm Hảo Hớn và ông Huỳnh Văn Minh rất tự hào về những thành quả của HUBA đạt được thời gian qua và tin rằng đội ngũ kế nhiệm sắp tới sẽ là những người có tâm, có tầm, chấp nhận cống hiến để tiếp tục đưa HUBA lên tầm cao mới. 

HUBA sẽ tìm được những lãnh đạo kế nhiệm có tâm, có tầm và chấp nhận cống hiến

Ông Phạm Hảo Hớn – Chủ tịch HUBA giai đoạn 2001-2004: Uy tín thương hiệu HUBA tăng theo số lượng hội viên ngày càng tăng

Năm 2001, khi sắp đến tuổi nghỉ hưu ở Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), tôi được phân công tham gia vào Ban Chấp hành Hiệp hội Công Thương. Và sau khi hiệp thương đại hội giữa nhiệm kỳ, tôi được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Công Thương. Nhận công việc mới trong điều kiện đất nước đang chuyển từ cơ chế quan liêu bao cấp sang thị trường nhiều thành phần, quả thật không dễ đối với tôi lúc đó. Mọi người đều không hình dung cơ chế thị trường như thế nào nên mọi thứ phải mò mẫm mà làm. Lúc ấy, Hiệp hội chỉ có 10 người và kinh phí hoạt động đều trông chờ vào hội phí đóng góp từ hội viên.

Pham-Hao-Hon-jpeg-4500-1649651913.jpg

Ông Phạm Hảo Hớn

Hoạt động trong điều kiện khó khăn ấy, tôi đã bàn với ban thường trực đổi tên Hiệp hội Công Thương thành Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) để thu hút rộng rãi doanh nghiệp (DN) đủ mọi thành phần kinh tế tham gia. Bằng việc đổi tên thành công, hội viên không còn bó hẹp trong hai lĩnh vực công nghiệp và thương nghiệp như trước đây. Cùng với đó, chúng tôi mở rộng hoạt động của Hiệp hội và nhờ vậy, cũng thu hút sự tham gia của nhiều hội viên hơn.

Tuy nhiên, đạt được số lượng lên đến gần 17.000 hội viên, trong đó có gần 500 DN hội viên trực tiếp như hiện nay là một sự phát triển vượt bậc của Hiệp hội. Bởi Hiệp hội hoạt động hiệu quả mới có thể thu hút sự tham gia của nhiều DN như thế. Thời tôi làm chủ tịch HUBA chỉ có Hội Doanh nghiệp quận 5, nhưng nay có sự tham gia của tất cả hội quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Không chỉ vậy, nhiều tổng công ty, tập đoàn lớn, các tổ chức DN nước ngoài cũng tham gia làm hội viên của Hiệp hội.

Ngoài số lượng hội viên ngày càng tăng, có rất nhiều thành quả mà HUBA đã đạt được trong thời gian qua. HUBA đã thực sự là cầu nối giữa cộng đồng DN với Đảng, chính quyền, các ban ngành của thành phố, kịp thời phản ảnh, truyền đạt các chính sách, chủ trương của Nhà nước đến với cộng đồng DN, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh vừa qua. Nhờ vậy mà uy tín của Hiệp hội ngày càng được nâng cao.

Thời trước, HUBA đã chú ý đến việc hợp tác, liên kết với hội DN các tỉnh bạn trong việc đào tạo chuyên môn, đào tạo DN. Đến nay, Hiệp hội lại càng đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác với các hiệp hội DN khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế trọng điểm, hỗ trợ nhiều chương trình xúc tiến thương mại và tổ chức đào tạo, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động.

Trong thời gian qua, HUBA cũng đã thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước thông qua các hội chợ, chương trình giao lưu, xúc tiến thương mại và đầu tư, tiếp đón các tổ chức, DN nước ngoài đến tham quan và tìm cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh…

Hy vọng kinh nghiệm và truyền thống tốt đẹp của HUBA sẽ tiếp tục được phát huy khi tới đây sẽ tìm được những người có đức, có tài và có tâm vào vị trí lãnh đạo. Tôi cũng tin ban chấp hành mới sẽ tiếp tục đoàn kết, kịp thời có những kiến nghị với thành phố, HUBA xứng đáng là đại diện cho cộng đồng DN, sẽ phát triển mạnh hơn và tiếng nói vốn đã có trọng lượng lại càng có trọng lượng hơn.

Ông Huỳnh Văn Minh – Chủ tịch HUBA giai đoạn 2005-2016: Từ “3 không” thành “3 có” là hành trình cố gắng không ngừng nghỉ của một đội ngũ đoàn kết chặt chẽ

Với tôi, hành trình của HUBA là một chặng đường dài với những phát triển không ngừng. Vốn được thành lập từ trước năm 1975 với tên gọi là Hội Công Kỹ Nghệ Gia, một tổ chức kinh tài, tập hợp các nhà tư sản, tài chính của Sài Gòn – Chợ Lớn để phục vụ cho cách mạng kháng chiến. Sau giải phóng, hoạt động Hội tiếp tục duy trì, được lãnh đạo ủy ban tiếp tục khôi phục hoạt động và vẫn lấy tên là Hội Công Kỹ Nghệ Gia. Khi đất nước đổi mới, hội nhập và đặc biệt là từ khi Nghị định 88 trở về sau phát triển kinh tế thị trường, Hiệp hội để tên thành Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM.

Với bề dày như vậy, có thể nói đây không phải là một tổ chức xã hội thuần túy mà là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp vì có đầy đủ “bộ sậu” của một cơ quan thuộc hệ thống chính trị của đất nước (có các đoàn thể, chi bộ), như cánh tay nối dài của chính quyền.

Huynh-Van-Minh-5697-1649651914.jpg

Ông Huỳnh Văn Minh

Theo thời gian, Hiệp hội đã củng cố phát triển và trở thành mái nhà chung cho cộng đồng DN. Qua mỗi nhiệm kỳ, HUBA lại thêm nhiều hội viên, lại tăng uy tín trong giới doanh nhân, DN, lại càng tăng uy tín với chính quyền và các ban ngành của Trung ương và thành phố. Đó là nhờ Ban Thường trực, Ban Chấp hành Hiệp hội thực sự đoàn kết, qua đó tập hợp được lực lượng những người dám làm, dám chịu trách nhiệm…

Hiệp hội cũng tham gia nhiều tổ chức, từ Trung ương đến địa phương như thành viên của VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam. Hiệp hội cũng lớn mạnh với nhiều thành viên như Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng, Trung tâm Hỗ trợ pháp lý và doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp… Đó là bước chuyển khá vững chắc đến hôm nay.

Đã có gần ba nhiệm kỳ điều hành HUBA với cơ cấu từ thường vụ cho đến đảng đoàn, cột mốc đáng nhớ với tôi là HUBA đã chuyển từ “3 không” sang “3 có”. Đó là thời điểm không có tiền để “nuôi quân”, mọi thứ phải tự lực. HUBA cũng không có quyền để thu hút hội viên mà phải bằng cách thuyết phục, giáo dục. HUBA cũng không có tài sản, nhà cửa, cơ sở vật chất và nhiều năm phải đi ở thuê.

Đến nay Hiệp hội có văn phòng hoành tráng, nguồn tài chính ổn định để phục vụ DN. Từ chỗ không có nhà, không có tiền, không có quyền, đến nay Hiệp hội cũng là cơ quan quyền lực, có tiếng nói xác đáng, được Chính phủ và thành phố ghi nhận, tiếp thu và điều chỉnh các chủ trương chính sách phù hợp tạo hành lang an toàn, thông thoáng cho DN hoạt động. Có được điều này là nhờ vào sự đeo bám, kiên trì của lãnh đạo Hiệp hội, nhưng mặt khác cũng có sự quan tâm, sự nhìn nhận của lãnh đạo thành phố, cho thấy đây là một công cụ, cánh tay nối dài không ai có thể làm thay.

Tôi còn nhớ chuyến tham dự hội nghị triển khai Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị ban hành ngày 9/12/2011 do Tổng bí thư chủ trì. Đồng chí Tổng bí thư đã giao chỉ tiêu đến năm 2020 phải có một số thương hiệu Việt ngang tầm khu vực và thế giới, phải có những DN lớn dẫn đầu, phát triển 500.000 – 1 triệu DN. Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng của Covid-19 nên dù số lượng DN phát triển nhiều nhưng số DN khó khăn phải “rơi rụng” cũng không ít. Hoạt động của DN TP.HCM phát triển, có sức hút, từ đó các bộ ngành Trung ương, Chính phủ, thành phố… đã lắng nghe, biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đi vào cuộc sống. Điều này đã góp phần đưa uy tín HUBA lên tầm cao.

Là người đứng đầu của HUBA một thời, tôi rất vui vì điều này. Đây là thành quả, sự cố gắng của một tập thể và chúng tôi đã tập hợp được một đội ngũ đoàn kết chặt chẽ. Sắp tới đây, tôi mong đại hội HUBA sẽ tìm được người có tầm, có tầm và chấp nhận cống hiến. Chủ tịch Hiệp hội phải dành hết tâm huyết cho hoạt động của tổ chức, lấy thành công và thất bại của DN làm niềm vui và nỗi buồn của mình.

Nguồn: Doanhnhansaigon.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *