Nếu giảm thời gian làm việc từ 40-44 giờ/tuần, như vậy thời gian làm thêm sẽ không đáng lo ngại, kể cả làm thêm từ 300 – 400h/năm cũng đều được.
Ngày 16/7/2019, Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức tại TP HCM, cho thấy: Nhiều ý kiến từ phía các tổ chức công đoàn đều kiến nghị nên sửa đổi luật theo hướng không tăng thời giờ làm việc, thời gian làm thêm cũng như tuổi nghỉ hưu.
Nhận định về dự thảo Luật lao động, ông Đặng Ngọc Tùng – nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng: Đã đến lúc phải giảm thời giờ làm việc của người lao động Việt Nam và luật làm ra cần phải công bằng với tất cả mọi người dân.
Cũng theo ông Tùng, “Đại biểu Quốc hội hãy đặt mình vào vị trí của người bị bộ luật này chi phối, đừng mang suy nghĩ luật này làm ra chỉ áp dụng cho người lao động, còn mình là cán bộ, viên chức thì quyền lợi cao hơn hẳn người lao động” – ông Tùng đề nghị.
Theo ông Tùng, Luật Lao động hiện tại quy định thời giờ làm việc của người lao động bình thường là 8 giờ/ngày, một tuần 6 ngày tức là 48 giờ/tuần, nhưng tuyệt đại đa số công chức chỉ làm việc 40 giờ/tuần. “Như vậy là bất công, cán bộ công chức được nghỉ nhiều hơn người lao động 416 giờ. Khi về hưu, lương hưu của cán bộ công chức cũng cao hơn. Trước đây, tôi từng chứng minh một người lao động vào làm việc cùng thời gian thì khi về hưu, lương hưu của người lao động ngoài nhà nước chỉ bằng 2/3 so với cán bộ công chức”. Do đó, việc giảm thời giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 40-44 giờ/tuần là điều cơ bản nhất với người lao động.
Nhìn xung quanh chúng ta, Trung Quốc đã giảm xuống 40 giờ, Nhật Bản 40 giờ, Mông Cổ 40 giờ, Singapore 44 giờ. Người lao động cần có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc mình và học tập là điều cần thiết.
Đối với quy định thời giờ làm thêm, ông Tùng cho rằng: “Chỉ cần khống chế giờ làm thêm 12 giờ/tuần thì một năm làm thêm bao nhiêu giờ cũng được”, không quan trọng là 300 giờ hay 400 giờ/năm.
Tương tự, nhiều đại biểu cũng kiến nghị nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu 55 tuổi với nữ, 60 tuổi đối với nam đối với người lao động trực tiếp trong các ngành sản xuất…, có thể điều chỉnh tăng thêm nhưng không quá 5 năm đối với cán bộ, công chức, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, trình độ quản lý.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, dẫn chứng: Thực tế rằng các nước thường quy định độ tuổi có quyền hưởng chế độ hưu trí, thường được gọi là tuổi nghỉ hưu, trong đó người lao động có quyền nghỉ trước tuổi và chờ đến tuổi hưởng chế độ hưu trí.
“Ở các nước không quy định đến tuổi nào đó buộc phải nghỉ hưu. Nếu ở tuổi 62, 65, 67… nếu đủ sức khỏe thì họ vẫn tiếp tục lao động, không ai buộc họ phải nghỉ hưu cả. Do đó việc có thêm danh mục ngành nghề có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu chỉ có thể mang tính khống chế cho khu vực hành chính Nhà nước” – ông Diệp nói.
Nguồn: Enternews.vn
Các tin liên quan