Giữ lại 33% ngân sách cho TPHCM hay chỉ 18%? Vốn từ ngân sách có tính chất quyết định thế nào trong việc xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh – sáng tạo?
PGS TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi thảo luận. |
Đây là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Hiến kế xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp cùng Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC) vừa tổ chức với mong muốn đồng hành cùng TPHCM trong việc thực hiện thành công đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 150 các nhà kinh tế, nhà khoa học, như PGS TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ; TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, Phó Chủ nghiệm CLB VEC; ông Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO và AEC; TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng viện Kinh tế và Quản lý TPHCM, Phó chủ nhiệm CLB VEC, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA); CEO Đặng Đức Thành, Ủy viên Ban chấp hành Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ nhiệm CLB VEC.…
Cơ chế phù hợp cũng là một nguồn vốn
TPHCM được coi là đầu tàu kinh tế của cả nước trong nhiều năm trở lại đây. Nhưng số liệu gần đây cho thấy các trung tâm tăng trưởng lớn của cả nước hầu hết đều suy giảm. PGS-TS Trần Đình Thiên so sánh TPHCM với các thành phố trực thuộc trung ương như Hải Phòng, Cần Thơ, Hà Nội, Đà Nẵng thì dù số liệu vẫn cho thấy TPHCM chỉ đứng sau Hải Phòng với mức tăng trưởng 7,86%, TPHCM vẫn đang gặp nhiều thách thức trong nỗ lực đi đầu xây dựng đô thị thông minh, một thành phố hiện đại tầm cỡ quốc tế và năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, TPHCM hiện vẫn tiến lên nhưng chậm hơn tương đối so với một số địa phương khác vì thu cho ngân sách Trung ương tăng lên nhưng chi cho ngân sách địa phương giảm đi. Năng lực của TPHCM to lớn, tính năng động cao nhưng bị trói buộc nhiều là do mặc đồng phục cơ chế, đầu tàu nhưng “cơ chế giống các toa tàu” và khiến cho khu vực tư nhân không phát huy hết tầm sức mạnh.
Vì thế, để có nguồn vốn xây dựng đô thị thông minh, sáng tạo thì cần “cởi trói” cho TPHCM bằng một hệ thống cơ chế có tính độc lập, tự chủ trong điều hành phát triển tương ứng. Đảng, Nhà nước đã có các văn bản chính thức về một cơ chế đặc biệt cho Thành phố, song theo các chuyên gia, cần được áp dụng mạnh mẽ hơn nữa.
PGS-TS Trần Đình Thiên đề xuất cho TPHCM một thể chế – cơ chế có mức độ độc lập tự chủ trong quyền điều hành phát triển về quy hoạch, thu – chi, bộ máy, chính sách, trong nguồn lực ngân sách được phân chia và trách nhiệm kèm theo. Kèm với thể chế, cơ chế độc lập là trách nhiệm đầu tàu hội tụ, lan tỏa kết nối. Với trách nhiệm này, nếu TPHCM phát triển, trách nhiệm đầu tàu của TPHCM sẽ lan tỏa ra cả nước và cả nước sẽ hưởng lợi.
Ông Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO và AEC cho biết, ông đã có 6 năm từng sống và làm việc tại Singapore, và thấy rằng đất nước này phát triển vượt bậc như vậy là nhờ cơ chế mở và ưu tiên con người là số 1. “Nếu TPHCM chỉ cạnh tranh với các tỉnh thành trung ương thì chưa đủ mà phải ghi tên vào bản đồ thế giới và khu vực. Muốn vậy, nên cho TPHCM có điều kiện tốt về cơ chế để phát triển”, ông Lương Văn Tự nhấn mạnh.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứuquản lý Kinh tế Trung ương, Phó Chủ nhiệm CLB VEC phát biểu tại buổi thảo luận. |
Giữ lại ngân sách hay các nguồn tài chính khác quyết định?
Một số nhà kinh tế cho rằng việc tăng ngân sách giữ lại cho Thành phố chính là điều kiện tiên quyết để TPHCM xây dựng đô thị thông minh, giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế, đồng thời tạo hiệu ứng lan toả để các địa phương trong vùng cùng hưởng lợi phát triển và kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại từ 18% giai đoạn 2018-2020 lên 24% giai đoạn 2021 và 33% giai đoạn 2026-2030. TS Trần Đình Thiên cho rằng kiến nghị này là hợp lý.
Khi so sánh nhóm các thành phố xếp hạng năng lực cạnh tranh và chất lượng sống tốt hơn ở tầm quốc tế, TS Võ Trí Thành cũng rất đồng tình với ý kiến cho rằng tỉ lệ nguồn ngân sách để lại cho TPHCM phải cao hơn. Theo đó, về tỷ lệ chi ngân sách của các thành phố trong khu vực châu Á năm 2015 với GDP, Tokyo dẫn đầu, tiếp theo sau là Seoul, Bắc Kinh, Thượng Hải, Jakarta, TPHCM ở mức thấp. Theo xếp hạng này thì những TP có mức chi ngân sách cao hơn hẳn như Tokyo, Seoul, Bắc Kinh, Thượng Hải có năng lực cạnh tranh và chất lượng sống tốt hơn. Và để tăng năng lực cạnh tranh và chất lượng sống cho TPHCM, thì việc tỉ lệ để lại nguồn ngân sách cho TPHCM cũng cần phải nâng cao hơn.
Tuy nhiên, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh “việc tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách giữ lại cho TPHCM đúng nhưng chưa đủ và vốn ngân sách chưa hẳn là một lựa chọn tối ưu về nguồn vốn để TPHCM xây dựng đô thị thông minh sáng tạo.” Bởi thị trường của đô thị thông minh là đủ lớn và theo điều tra của Black &Veatch 2016 thì có rất nhiều thành phố phát triển trên thế giới xem PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) là cách huy động vốn tốt nhất.
Để huy động vốn theo đối tác công tư PPP, thì TPHCM cần phải có sự minh bạch và rõ ràng về cách thức chia sẻ lợi nhuận và rủi ro cũng như các chỉ số về nhu cầu khách hàng; PPP chủ yếu sẽ tập trung vào các mảng như các lĩnh vực có thu về hạ tầng: điện, nước sạch, cung ứng vận chuyển khách; những lĩnh vực khó có thu trực tiếp như nhượng quyền, quảng cáo…
Trên cơ sở xác định nguồn vốn chủ yếu để phát triển, TPHCM cần được đánh giá tác động lan tỏa một cách đầy đủ, từ đó việc xây dựng đô thị thông minh sáng tạo ở TPHCM sẽ có ý nghĩa chiến lược với các vùng lân cận và cả nước cũng phải được hưởng lợi.
Theo hướng lựa chọn mũi nhọn là trung tâm kinh tế của cả nước trong thời gian dài vừa qua, TS. Võ Trí Thành đặc biệt nhấn mạnh đến việc TPHCM cần phải gắn thương hiệu sản phẩm doanh nghiệp với TPHCM trong hai lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo và tài chính xanh, tạo nên nền tảng trở thành trung tâm sáng tạo và trung tâm tài chính. Tuy nhiên, việc huy động vốn cho việc xây dựng đô thị thông minh sẽ bằng những bước đi vừa tầm, có thể bắt đầu từ những dự án thông minh với mục đích tạo ra một thành phố siêu kết nối.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra những nguồn vốn có thể giúp TPHCM khai thác khi xây dựng đô thị thông minh như: nguồn vốn từ đất đai, nông nghiệp, hạ tầng, doanh nghiệp, nhân lực…
Ông Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm VEC cho rằng huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai là chìa khóa của cải cách và tăng trưởng kinh tế. Trong đó, ông đặc biệt cho rằng cần đổi mới chính sách thuế về đất đai và kiểm soát chặt chẽ hạn mức đất cấp cho các dự án.
Đồng ý rằng, đất đai là một nguồn vốn quan trọng của bất cứ thành phố nào muốn phát triển nhưng cho rằng đó là tài nguyên hữu hạn, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố nhấn mạnh đến việc nên coi doanh nghiệp tư nhân với sự phát triển lớn mạnh, dám nghĩ, dám làm là một trong những nguồn lực quan trọng hàng đầu giúp TPHCM xây dựng đô thị thông minh sáng tạo. Lợi thế của TPHCM chính là lực lượng doanh nghiệp hùng hậu và cần giải quyết những bài toán liên quan để doanh nghiệp lớn mạnh cùng Thành phố.
Các tin liên quan