Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2019

Loạt chính sách – quy định mới về kinh tế – xã hội sẽ có hiệu lực từ tháng 9/2019…

Từ 1/9/2019, Quyết định số 23/2019/QĐ-TTg về danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập có hiệu lực

Nghị định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; quy định mới về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; quy định xử phạt vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2019.

Quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường

Nghị định 54/2019/NĐ-CP ban hành ngày 19/06/2019 của Chính phủ quy định về các điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường có hiệu lực từ ngày 1/9/2019.

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường chỉ được được sử dụng các bài hát phổ biến, lưu hành; chấp hành pháp luật lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật. Cung cấp trang phục, biển tên cho người lao động; bảo đảm đủ điều kiện cách âm và âm thanh thoát ra ngoài phòng hát hoặc phòng vũ trường phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.

Tuân thủ quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu; tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; bản quyền tác giả; hợp đồng lao động; an toàn lao động; bảo hiểm; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Quy định mới về quản lý, sử dụng đất trồng lúa

Có hiệu lực từ ngày 01/09/2019, Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ban hành ngày 11/07/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Cụ thể, Nghị định số 62/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.

Vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bị phạt tới 200 triệu đồng

Nghị định 63/2019/NĐ-CP ngày 11/07/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước có hiệu lực từ ngày 01/09/2019.

Theo Nghị định, hình thức xử phạt chính bao gồm: Cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức; trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Bổ sung một số loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

Có hiệu lực từ ngày 05/09/2019, Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ban hành ngày 16/07/2019 của Chính phủ sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Cụ thể, thay vì quy định 17 loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, Nghị định 64/2019/NĐ-CP quy định 28 loài được ưu tiên bảo vệ, trong đó bổ sung một số loài như: Thông đỏ nam (Thông đỏ lá dài, Thanh tùng), Hoàng liên gai lá dài, Hoàng liên gai lá mốc, Lan hài chai (Lan vân hài), Lan hài xanh, Lan hài chân tím, Lan hài trân châu…

Sửa đổi quy định xử phạt vi phạm về khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi

Có hiệu lực từ ngày 09/09/2019, Nghị định số 65/2019/NĐ-CP ban hành ngày 18/07/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều.

Trong đó, Nghị định số 65/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về vận hành công trình thủy lợi. Cụ thể, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi không có quy trình vận hành công trình thủy lợi nhỏ theo quy định; đối với công trình thủy lợi vừa thì mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng và đối với công trình thủy lợi lớn hoặc quan trọng đặc biệt thì mức phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

Bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/07/2019 về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước có hiệu lực thi hành từ ngày 15/09/2019.

Trong đó, nghị định nêu rõ 3 nguyên tắc bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước gồm:

Việc bảo tồn và sử dụng vùng đất ngập nước phải được thực hiện trên nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước;

Tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống trên, xung quanh vùng đất ngập nước và các bên liên quan trong bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước;

Đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên liên quan trong việc sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước.

Quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/07/2019 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực từ ngày 15/09/2019.

Theo Nghị định này, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R) được quy định bằng tỷ lệ (%) giá trị quặng nguyên khai của khu vực khoáng sản được phép khai thác.

Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập

Tại Quyết định số 23/2019/QĐ-TTg có hiệu lực từ 1/9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập.

Danh mục hàng hóa gồm: Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm; rượu; bia sản xuất từ malt; xe ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi; xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh nguyên chiếc, có động cơ đốt trong kiểu piston có dung tích xi lanh trên 125cc; máy bay, du thuyền; xăng các loại;…

Tăng 7,19% mức trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân phục viên, xuất ngũ

Theo Thông tư 106/2019/TT-BQP hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc có hiệu lực từ 8/9/2019, tăng 7,19% trên mức trợ cấp hàng tháng của tháng 6 đối với các đối tượng quân nhân đã phục viên, xuất ngũ; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân đã phục viên, xuất ngũ…

Tùy thuộc vào năm công tác, mức trợ cấp dao động từ 1,891 triệu đồng/tháng đến 2,235 triệu đồng/tháng.

Hướng dẫn xếp lương các ngạch công chức chuyên ngành văn thư

Thông tư 10/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn việc xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành văn thư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2019.

Giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp từ 20/9/2019

Theo Thông tư số 47/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp, từ 20/9/2019, một số mức lệ phí đăng ký doanh nghiệp sẽ giảm khá nhiều so với quy định hiện hành.

Trong đó, mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp (bao gồm: Cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) áp dụng từ ngày 20/9/2019 là 50.000 đồng/lần (hiện nay 100.000 đồng/lần).

Thông tư 47/2019/TT-BTC còn quy định giảm phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp xuống còn 100.000 đồng/lần, thay vì mức thu 300.000 đồng/lần như hiện nay.

Quy định tiêu chuẩn trưởng phòng, phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo

Thông tư 10/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/9/2019.

Hỗ trợ xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương

Thông tư 11/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại có hiệu lực thi hành từ 16/9/2019.

Thông tư nêu rõ, Nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế ở nước ngoài đối với các nội dung sau: a) Tuyên truyền, quảng bá (Tổ chức giới thiệu thông tin về hội chợ, triển lãm, đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm…); b) Tổ chức và dàn dựng khu triển lãm quốc gia (nếu có); c) Tổ chức, dàn dựng gian hàng gồm thiết kế tổng thể và chi tiết, mặt bằng, dịch vụ điện, nước, an ninh, bảo vệ, vệ sinh, môi trường; trang trí chung; d) Lễ khai mạc (đối với hội chợ, triển lãm do Việt Nam tổ chức hoặc đồng tổ chức có quy mô từ 100 gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam trở lên hoặc tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài có quy mô từ 30 gian hàng trở lên); đ) Công tác phí cho người của đơn vị chủ trì tham gia tổ chức.

Quy mô yêu cầu là Hội chợ, triển lãm đa ngành có quy mô tối thiểu 12 gian hàng và tối thiểu 12 doanh nghiệp tham gia. Hội chợ, triển lãm chuyên ngành có quy mô tối thiểu 06 gian hàng và tối thiểu 06 doanh nghiệp tham gia.

Nguồn: vneconomy.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *