Khó vay vốn, lãi suất cao vẫn đè nặng nhà kinh doanh

Chiều 11-5, tại TP.HCM đã diễn ra hội nghị “Ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ”. Đây là vùng kinh tế có số lượng doanh nghiệp (DN) cao nhất cả nước khi chiếm trên 40%. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo các tỉnh, thành và DN đều cho rằng rất khó tiếp cận vốn do điều kiện quá khắt khe và lãi suất cao.

 
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết các doanh nghiệp mong muốn lãi suất cho vay giảm xuống còn 7%-8%/năm. Ảnh: TL

DN “không sống nổi” vì lãi suất cao

 Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: Qua nhiều lần làm việc với Hiệp hội DN TP ghi nhận một số vấn đề nổi cộm. Thứ nhất, có gần 55% số DN sản xuất cầm chừng, giữ lao động và gần như không có nhu cầu tín dụng do không có đơn hàng. Thứ hai, một bộ phận DN có nhu cầu vốn lưu động để giải quyết nhu cầu thanh toán ngắn hạn tạo tính thanh khoản.

Thứ ba, đối với các khoản vay đến hạn thì kế hoạch thanh toán của một bộ phận DN gặp khó khăn do hàng bán không được (hàng tồn kho tăng) hoặc bị nợ đọng vốn. Thứ tư là DN ngại tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi do nhu cầu tín dụng hoặc ngại các vấn đề liên quan đến cơ quan chức năng (ví dụ thanh tra, kiểm tra… – PV). Thứ năm, đối với lĩnh vực bất động sản, người mua ngại vay và mong muốn có chính sách ưu đãi cho người mua nhà để yên tâm vay vốn.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Qua tiếp xúc, chúng tôi ghi nhận các DN mong muốn lãi suất cho vay giảm xuống còn 7%-8%/năm. Bên cạnh đó, họ mong muốn kéo dài chính sách hỗ trợ thông qua việc giãn, hoãn, không chuyển nhóm nợ xấu đối với các trường hợp khó khăn. Đối với các khoản vay mới, xem xét cho các trường hợp có đơn hàng, lịch sử tín dụng tốt có thể mở rộng tín chấp thay vì phải thế chấp tài sản…”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó Trưởng Ban chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, cũng cho rằng nhu cầu vốn của DN trên địa bàn cao nhưng điều kiện cho vay rất khắt khe nên các DN gần như không tiếp cận được.

“Do đó, chúng tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu có các giải pháp để đơn giản thủ tục, tạo điều kiện để DN cũng như người lao động có thể tiếp cận được các gói vay ưu đãi” – bà Xuân nhấn mạnh.

Tương tự, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, nhận xét: Mặc dù NHNN đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ DN, trong đó có Thông tư 02/2023 nhằm gia hạn nợ cho các DN gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng. Thế nhưng thực tế hiện nay các DN còn rất khó khăn, chứ chưa thể nói là khỏe mạnh được. Do đó, để DN phục hồi nhanh chóng, đề nghị NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay mạnh hơn. Bởi nhiều DN thắc mắc tại sao các ngân hàng lãi nhiều quá trong khi DN đang vô cùng khó khăn.

“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị NHNN xem xét tiếp tục giảm lãi suất điều hành thêm nữa để tạo dư địa cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Nhìn chung, các DN hiện nay vẫn đang gánh mức lãi suất cho vay trên 10%/năm, với DN thực phẩm là khoảng 7%-8%/năm trong khi lợi nhuận chỉ khoảng 10% mà thôi. Vì vậy, nếu không tiếp tục kéo giảm lãi suất cho vay thì DN không thể nào sống được” – bà Chi nói.

Sẽ tiếp tục giảm lãi suất

 Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, cho biết: Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý. Đối với nhóm DN bất động sản, mọi năm tín dụng bất động sản thường tăng cao, kéo theo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng. Tuy nhiên, hiện nay thị trường địa ốc tiếp tục khó khăn (chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý dự án), khiến tín dụng bất động sản tăng chậm, ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng chung.

Đáng chú ý, sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của DN khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu ở mức cao, trong khi thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm… Từ đó dẫn tới việc các ngân hàng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Từ thực tế trên, Phó Thống đốc NHNN cho biết NHNN đã tích cực triển khai một số giải pháp nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường. Chẳng hạn tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ. Trong đó, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao được tập trung ưu tiên cấp tín dụng.

Liên quan đến định hướng, giải pháp của ngành ngân hàng trong thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: NHNN tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng 14%-15% cả năm 2023, chỉ đạo các ngân hàng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Về điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tăng trưởng kinh tế Đông Nam Bộ có xu hướng chậm lại

 Theo báo cáo của NHNN, tại khu vực Đông Nam Bộ, đến hết quý I-2023, tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỉ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm 2022 nhưng thấp hơn mức tăng chung của cả nước là 2,61%.

Đáng chú ý, mặc dù là khu vực kinh tế đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách (tổng GRDP năm 2022 của khu vực chiếm 30,8% cả nước)… nhưng tăng trưởng kinh tế khu vực đang có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; một số tỉnh, TP có mức tăng GRDP quý I-2023 ở mức thấp.

Cụ thể như TP.HCM tăng 0,7%, Bình Dương tăng 1,15%, Tây Ninh tăng 2,2%, Đồng Nai tăng 3,3%, riêng Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 4,75%.

THÙY LINH-Báo Pháp Luật TP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *