Tháo gỡ chính sách, giải phóng nguồn lực phục vụ cho tăng trưởng

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về tình hình kinh tế những tháng đầu năm 2023 và triển vọng trong thời gian tới, TS. Trần Du Lịch cho rằng, trọng tâm trong điều hành của Chính phủ thời gian tới cần phải tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc trong chính sách, chỉ có như thế mới có thể giải phóng được các nguồn lực xã hội, phục vụ cho tăng trưởng của năm 2023 và phát triển lâu dài.

Sự quyết liệt đã phát huy tác dụng

 TS. Trần Du Lịch cho rằng, những vấn đề kinh tế đặt ra trong những tháng đầu năm và cho cả năm 2023 đã được Chính phủ dự liệu, dự báo từ quý 4/2022. Đó là khi tình hình thế giới rất bất lợi trên tất cả các mặt, và trong nước, những hệ quả không tránh khỏi của các biện pháp chấn chỉnh thị trường bất động sản, trái phiếu, chứng khoán… đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động kinh tế của Việt Nam.

Ngoài bất lợi về việc các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị gián đoạn, thu hẹp… kéo theo xuất khẩu hàng hóa giảm, gây khó khăn cho khu vực sản xuất trong nước thì nền kinh tế còn xuất hiện hai điểm nghẽn lớn.

Thứ nhất là nghẽn trong triển khai các dự án đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.

Thứ hai là chính sách tiền tệ bị thắt chặt, lãi suất tín dụng tăng cao, nhất là thời điểm cuối năm 2022, đã tác động rất lớn đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đặc biệt đối với những doanh nghiệp muốn mở rộng đầu tư hay doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Trong bối cảnh đó, điểm nổi trội nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đó là đã tập trung vào những biện pháp để nâng sức chống chịu của nền kinh tế. Trong các biện pháp đó, đáng chú ý là việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; hoàn thiện thể chế, chính sách để vận hành hiệu quả các thị trường, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, bảo đảm cho mục tiêu tăng trưởng lâu dài và bền vững.

Tiếp đó là sự kiên trì tác động vào 3 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng: Đầu tư công, xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

“Tôi đồng tình quan điểm không xử lý những khó khăn, trục trặc của nền kinh tế theo hướng Nhà nước làm thay thị trường nhưng sẽ tháo gỡ những vướng mắc do quản lý Nhà nước tạo ra. Có nghĩa Nhà nước thực hiện chức năng của mình. Không chỉ vậy, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự tháo gỡ, tự tái cơ cấu… để vượt qua khó khăn”, TS. Trần Du Lịch nhìn nhận.

Kết quả trong xử lý những điểm nghẽn lớn nói trên rất tích cực. Với đầu tư công, trong suốt những tháng đầu năm 2023, trực tiếp Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các tổ công tác của Chính phủ đã đi thực tế để tháo gỡ vướng mắc tại các dự án lớn, như các gói thầu thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông, sân bay Long Thành,… đặc biệt, những yêu cầu và cảnh báo của Chính phủ đối với các địa phương trong giải quyết khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn… rất thường xuyên và mạnh mẽ.

Sự quyết liệt đó đã phát huy tác dụng, nhiều dự án hạ tầng được hoàn thành, không ít dự án bất động sản đình trệ được tháo gỡ, hàng loạt dự án hạ tầng quan trọng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM đang được rốt ráo chuẩn bị khởi công, để dòng vốn đầu tư công cực lớn này nhanh chóng chảy vào nền kinh tế…

Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng được chờ đợi sẽ có chuyển biến tích cực trong thời gian tới khi lãi suất cho vay đang xu hướng giảm, các doanh nghiệp khó khăn được cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ…

Như vậy, với nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công, sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ chắc chắn sẽ tác động tích cực vào sự phục hồi tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chính sách, thể chế một số lĩnh vực quan trọng theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại Nghị quyết 33/NQ-CP về thị trường bất động sản, Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Nghị định 08/2023/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp… sẽ tạo điều kiện cho các thị trường, các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn.

Có thể nói, mặc dù có nhiều vướng mắc, bất cập tồn đọng khá lâu, nhưng đến nay, các giải pháp trong điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tác động tới tâm lý thị trường khá tốt, dĩ nhiên sẽ có những giải pháp tác động chậm hơn. Đây là điểm sáng rất rõ.

Đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc trong chính sách

TS. Trần Du Lịch cho rằng, hiện tại khó khăn vẫn nhiều hơn thuận lợi, nhất là thị trường thế giới chưa thấy có những tín hiệu tích cực. Do vậy, trong 3 trụ cột tăng trưởng, xuất khẩu phải nỗ lực để vượt qua giai đoạn khó khăn. Với hai trụ cột còn lại, cần thêm những giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, cũng như quan tâm giải quyết những vấn đề kiến nghị từ cơ sở.

Bây giờ là lúc cần tập trung vào khai thác thị trường trong nước; cần nhiều chính sách đồng bộ để thúc đẩy tiêu dùng. Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa, dịch vụ đến hết năm 2023 là cần thiết nhưng cũng nên mạnh dạn hơn với các biện pháp khác như thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động du lịch… đây là trụ cột quan trọng trong thời điểm này.Với trụ cột đầu tư công, cần liên tục rà soát, xử lý nghiêm những cản trở làm chậm trễ quá trình thi công. Đặc biệt, giải ngân vốn cần kịp thời, không để phát sinh điểm nghẽn trong thủ tục thanh toán. Đầu tư chỉ phát huy tác dụng thúc đẩy tăng trưởng khi dòng tiền được lưu chuyển ra được thị trường.

Nỗ lực trong điều hành của Chính phủ cũng đã làm cho các địa phương buộc phải rà lại những gì thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình, từng bước khắc phục được tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm mà không làm. Tuy nhiên, cùng với việc vực lại tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức thực thi, cần phải xem lại tính không rõ ràng, không cụ thể, chồng chéo trong chính sách, làm cho người thừa hành “run tay” khi tham mưu, là nguyên nhân của tình trạng trì trệ công việc hiện nay tại các địa phương.

Để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, những gì cản trở, gây khó khăn cần phải cắt bỏ, điều chỉnh mạnh hơn, không dừng lại ở nói mà phải hành động cụ thể, mạnh mẽ từ trên xuống dưới, đặc biệt là những bộ phận xử lý, trực tiếp thực thi công vụ .

Bên cạnh đó, cần tiếp tục có lộ trình phù hợp để giảm lãi suất. Nhanh chóng giải ngân gói 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội. Nếu không gỡ được những bất cập đang cản trở việc triển khai những dự án nhà ở xã hội lâu nay thì lãi suất thấp thế nào cũng không có ý nghĩa. Cần nhận thức rằng, đây là loại dự án đa mục tiêu, giúp tăng tín dụng cho nền kinh tế, hút được nguồn vốn tư nhân và tạo quỹ nhà có giá hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM.

Tựu trung lại, trọng tâm trong thời gian tới vẫn là tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc trong chính sách. Có như thế mới giải phóng được các nguồn lực xã hội, phục vụ cho tăng trưởng của năm 2023 và phát triển lâu dài.

“Với quyết tâm, nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ thời gian vừa qua, tôi tin tăng trưởng trong quý 3 và quý 4 sẽ bù đắp được cho quý 1 và quý 2, để kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn có thể đạt tăng trưởng khoảng 6% so với năm vừa qua”, TS. Trần Du Lịch tin tưởng.

Mạnh Hùng-Báo điện tử Chính phủ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *