Chiều 12/6, Hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng Dịch vụ công quốc gia và những lợi ích dành cho nghiệp” được tổ chức tại điểm cầu chính ở TPHCM nhằm giới thiệu những lợi ích và lắng nghe kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp khu vực phía Nam trong quá trình tiếp tục hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Băng Tâm |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì hội nghị.
Hơn 200 đại biểu đại diện các bộ, ngành, UBND TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang và các hiệp hội, doanh nghiệp khu vực phía Nam tham dự.
Hiệu quả đo đếm được
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đánh giá hiệu quả bước đầu của Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) sau 6 tháng đi vào vận hành.
Được khai trương ngày 9/12/2019, Cổng DVCQG là đầu mối kết nối với cổng dịch vụ công của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và cung cấp hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng của người dân.
Đến ngày 11/6 đã có 42,5 triệu lượt truy cập, trên 164.000 tài khoản đăng ký, trong đó có 1.729 tài khoản của doanh nghiệp, tăng 600 tài khoản và tốc độ tăng khá nhanh so với giai đoạn 6 tháng trước đây; hỗ trợ trên 13.400 cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp; đã tích hợp cung cấp 512 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 288 dịch vụ công cho doanh nghiệp.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết trong nhiệm kỳ này, Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp mạnh nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời chuyển đổi mạnh các giải pháp hành chính công, chính phủ điện tử. Đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 3.893 trên 6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục ngành hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.
Kết quả trên đã giúp xã hội cắt giảm, đơn giản hóa hơn 18 triệu ngày công, tương đương tiết kiệm 6.300 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.021 mặt hàng. Tới đây tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử phù hợp với thông lệ quốc tế và cải cách, kiểm tra chuyên ngành theo hướng Hải quan là cơ quan duy nhất kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, các bộ quản lý ngành sẽ thực hiện kiểm tra hậu kiểm…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết thêm, việc gửi nhận các văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước qua trục liên thông văn bản quốc gia khai trương ngày 12/3/2019 được tăng cường, từng bước chuyển từ báo cáo giấy sang báo cáo điện tử qua Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, dự kiến, sẽ khai trương trong tháng 8/2020.
Nghị định số 45 ngày 8/4/2020 về thực hiện thủ tục hành chính lần đầu tiên ghi nhận giá trị pháp lý của thủ tục trực tuyến, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử, công nhận hồ sơ chữ ký số của các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm bớt hồ sơ giấy cũng như các quy trình giao dịch trực tiếp của cơ quan Nhà nước và thúc đẩy giao dịch điện tử góp phần xây dựng nền kinh tế số.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết dự kiến đầu tháng 7/2020 sẽ báo cáo Thủ tướng và thực hiện trên toàn quốc việc xác thực bản sao từ bản chính trên Cổng DVCQG. Như vậy người dân có thể thực hiện thủ tục sao xác thực bất kỳ giấy tờ nào mà không cần đến các cơ quan công chứng.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp và Cổng VCQG là một giải pháp hữu hiệu để điện tử hóa thủ tục hành chính. Qua tài khoản Cổng DVCQG, người dân chỉ cần đăng nhập một lần, nhận hồ sơ một lần và thực hiện thủ tục hành chính tại tất cả các bộ, ngành, địa phương và thực hiện thanh toán trực tuyến, các nghĩa vụ về tài chính liên quan, thủ tục liên quan.
Quá trình giải quyết các thủ tục thông qua Cổng DVCQG không chỉ được thông tin tới các doanh nghiệp, mà Văn phòng Chính phủ cũng tiếp nhận thông tin để đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong khâu giải quyết. Ưu điểm lớn của việc này là tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đồng thời còn tạo thêm kênh giám sát việc thực hiện, bảo đảm tính minh bạch trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Hiện, Cổng DVCQG vẫn đang trong quá trình tiếp tục tích hợp các dịch vụ công, cải tiến, phát triển để phục vụ ngày một hiệu quả hơn cho người dân, doanh nghiệp, cả về quy trình nghiệp vụ và giao diện, độ tiện lợi cho người dùng,…
Từ đầu cầu Hà Nội, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của cơ quan này tại Việt Nam đánh giá Việt Nam đã có Cổng DVCQG. Sự tăng nhanh các tài khoản, đặc biệt là doanh nghiệp đăng ký dịch vụ công thời gian gần đây là tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, để Cổng DVCQG thực sự hấp dẫn hơn đối với doanh nghiệp, vị đại diện WB cho rằng Chính phủ Việt Nam cần đảm bảo dịch vụ công giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp. Theo đó, Việt Nam cần áp dụng các công nghệ đột phá, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số thông qua các mô hình cụ thể. Doanh nghiệp khai thác dữ liệu để đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Kinh nghiệm từ địa phương
Là địa phương đầu tiên thí điểm kết nối với Cổng DVCQG, TPHCM đã đạt những kết quả bước đầu trong triển khai số hóa dịch vụ công.
Ông Hà Phước Thắng, Chánh Văn phòng UBND Thành phố cho biết từ tháng 11/2019, TPHCM đã kết nối Cổng Dịch vụ công TPHCM (xây dựng từ năm 2015) với Cổng DVCQG 3 dịch vụ công, gồm thông báo hoạt động khuyến mại; liên thông nhóm thủ tục đăng ký kinh doanh với đăng ký thuế; cấp đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp.
Điểm nổi bật là hệ thống đánh giá gắn liền với quá trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả theo từng hồ sơ thủ tục hành chính, bao gồm hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp và hệ thống đánh giá nội bộ. Đến ngày 10/6/2020, Thành phố đã kết nối 26 dịch vụ công trên Cổng DVCQG thuộc lĩnh vực quản lý, giải quyết của 20 đơn vị.
Tính đến hết quý I/2020, tổng số hồ sơ tiếp nhận qua hệ thống là 7.168 hồ sơ, trong đó có 4.180 hồ sơ trực tuyến, chiếm 58%. Tiếp nhận phản ánh xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Thành phố đã tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ ở 3 cấp, tạo 796 tài khoản để đăng nhập và chính thức sử dụng hệ thống từ ngày 29/4/2020. Kết quả đã tiếp nhận 44 phản ánh, kiến nghị và đang được cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Ông Thắng cho biết, việc kết nối với hệ thống Cổng DVCQG đã tạo sự thông suốt, đồng bộ, chia sẻ thông tin, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nộp hồ sơ, theo dõi tình hình kết quả giải quyết…
Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc khi giải quyết cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin điện tử phải xây dựng tập trung, thống nhất, dễ tiếp cận để giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả, đồng bộ, tránh chồng chéo và lãng phí. Ông Thắng cũng nêu khó khăn phát sinh từ thể chế, chi phí, thủ tục xây dựng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử… ảnh hưởng đến tiến độ mở rộng cung cấp các dịch vụ công theo kế hoạch.
Từ nay đến hết năm 2020, Thành phố đặt mục tiêu tích hợp 50% dịch vụ công lên Cổng DVC trực tuyến quốc gia, tương đương 322 dịch vụ công.
Còn nhiều vướng mắc phía doanh nghiệp
Là đối tượng chính sẽ được hưởng lợi từ Cổng DVCQG, đại diện các doanh nghiệp phía Nam tham gia Hội nghị đã nêu nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống số hóa dịch vụ công.
Nhóm ý kiến đầu tiên, gửi đến Cục Cảnh sát giao thông với nội dung: Doanh nghiệp nhận thông báo yêu cầu lên trụ sở của CSGT. Lúc này đại diện doanh nghiệp mới nhận được yêu cầu lựa chọn nộp phạt trực tuyến hoặc trực tiếp. Doanh nghiệp đề nghị phía cơ quan CSGT cân nhắc tích hợp bước thông báo và quyết định thành một bước để hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm thời gian.
Một doanh nghiệp khác nêu tình huống doanh nghiệp làm hồ sơ đăng ký sản phẩm bảo vệ sức khỏe, nhập khẩu từ Hàn Quốc. Tất cả giấy tờ đã được chứng thực và làm thủ tục đầy đủ. Mẫu giấy của Hàn Quốc không ghi ngày hết hạn (theo quy định là 3 năm), song mẫu giấy của Bộ Y tế có ghi ngày bắt đầu và ngày hết hạn. Đây là lý do hồ sơ này vẫn chưa được thực hiện do mẫu giấy Hàn Quốc không giống của Việt Nam.
Từ góc độ hiệp hội ngành hàng, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá việc cải cách thủ tục hành chính là xu thế của thời đại, song vẫn còn nhiều bất cập. Ông nêu ví dụ: Ngành dệt may khi nhận một đơn hàng cực lớn nhưng doanh nghiệp không phải lúc nào cũng có đủ năng lực giải quyết được ngay mà cần đưa tới các doanh nghiệp khác để gia công lại. Quá trình đi gia công lại thì về doanh nghiệp phải đóng thuế nhập khẩu. Đồng thời cho hay đã ký 25 văn bản kiến nghị về cơ chế chính sách nhưng 2 năm nay vẫn chưa được giải quyết.
Ông Giang cũng đồng tình việc xây dựng xuyên suốt đồng bộ Cổng DVC từ Chính phủ đến bộ ngành, Trung ương và địa phương. Trong đó, cần tăng cường nhận thức và trách nhiệm của cán bộ công quyền trong việc thực hiện các thủ tục hành chính công.
Trong khi đó, đại diện cho Hiệp hội Logistics Việt Nam, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội hoan nghênh về việc công bố Cổng DVCQG, đồng thời ông rất vui khi nghe tin sắp tới đầu mối duy nhất kiểm tra chuyên ngành tại các cửa khẩu là cơ quan hải quan. Qua đó, Cổng DVCQG sẽ góp phần làm giảm chi phí về logistics.
Ông Hiệp mong rằng sẽ có thêm nhiều dịch vụ tích hợp hơn nữa trên Cổng DVCQG đối với ngành dịch vụ logistics, đặc biệt đối với dịch vụ thông quan, kiểm tra chuyên ngành và những dịch vụ liên quan.
Bên cạnh đó, ông Hiệp cho biết Hiệp hội Logistics cũng đang cố gắng giảm thiểu những vấn đề cần sử dụng đến giấy tờ, số hóa những chứng từ vận tải, số hóa lệnh giao hàng, qua đó giảm tải các chi phí về giấy tờ cho doanh nghiệp.
Hội nghị trực tuyến tổ chức tại điểm cầu chính ở TPHCM. Ảnh: VGP/Băng Tâm |
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống dịch vụ công quốc gia
Sau thời gian lắng nghe, giải đáp những băn khoăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng mong muốn các doanh nghiệp sẽ tiếp sức xây dựng chính phủ điện tử. Hướng tới cập nhật các dịch vụ công đa dạng và chất lượng hơn, đáp ứng mọi yêu cầu của đời sống xã hội. “Tương lai, người dân và doanh nghiệp chỉ cần đăng ký 1 lần duy nhất trên cổng, thay vì phải nộp nhiều lần. Nếu phải nộp thêm giấy tờ sẽ chỉ là giúp làm giàu kho dữ liệu”.
Bên cạnh đó, VPCP tiếp tục nỗ lực tạo sự đồng bộ hạ tầng, nền tảng dữ liệu, cũng như nâng cao trách nhiệm quản lý, thúc đẩy hiệu quả dịch vụ công. “Điều cốt lõi là thay đổi tư duy của tất cả chúng ta chứ không phải phần mềm hay công nghệ”, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết sẽ ghi nhận, tổng hợp tất cả các ý kiến, phản hồi, đánh giá của người dân, doanh nghiệp trình Thủ tướng và gửi đến các bộ ngành nhằm hoàn thiện thể chế, quy trình cho Cổng DVCQG, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Các tin liên quan